Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Bệnh nhân 28 tuổi bị thoát vị đĩa đệm

Hiện nay, bệnh thoát vị đĩa đệm là một trong những bệnh xương khớp không chừa một ai. Do điều kiện công việc, cuộc sống nên ngày nay bệnh này đang ngày một trẻ hóa nên việc nắm bắt thông tin là rất quan trọng.

Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống lưng

"Xin chào Bác sĩ! Em năm nay 28 tuổi, làm nhân viên văn phòng lên phải ngồi nhiều. Cách đây 3 tuần em bị đau bắp chân, em đi khám ở BV hữu nghị Việt Đức được Bác sĩ chuẩn đoán là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Em uống thuốc tây của Bác sĩ kê nhưng vẫn chưa thấy đỡ. Xin hỏi Bác sĩ bệnh của em có thể chữa khỏi hoàn toàn được không? Nếu phẫu thuật chi phí như thế nào ạ? Em cảm ơn Bác sĩ."

Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh khá phổ biến với nhiều mức độ khác nhau và gây nên biểu hiện triệu chứng lâm sàng cũng rất khác nhau. Về cấu trúc giải phẫu, đĩa đệm là một cấu trúc có khả năng đàn hồi tốt nằm giữa các thân đốt sống có tác dụng đệm, giúp cho cột sống có thể mang được trọng lượng của toàn bộ cơ thể, có thể đội, mang vác nặng với biên độ hoạt động của cột sống khá rộng. Cấu tạo của đĩa đệm, bên ngoài là lớp vỏ xơ dày, bên trong là nhân này. Xung quanh đĩa đệm có tủy sống, có các rễ thần kinh đi ra từ tủy sống để chi phối thần kinh cho nửa dưới cơ thể. 



Khi đĩa đệm bị thoái hóa làm cho lớp vỏ xơ bên ngoài của đĩa đệm bị mất độ chun chắc hoặc do chấn thương cột sống thắt lưng làm cho bao xơ bên ngoài của đĩa đệm bị nhân nhầy đẩy lồi ra hoặc bị rách làm cho nhân nhầy bị chảy ra ngoài gây chèn ép vào tủy sống, vào các rễ thần kinh gây đau dọc theo đường đi của dây thần kinh bị chèn ép. Vì vậy, dấu hiệu đặc trưng gợi ý tới bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là triệu chứng đau có thể kèm theo tê vùng thắt lưng lan xuống mông và chân theo đường đi của dây thần kinh, có thể một bên hoặc hai bên. 


Để chẩn đoán xác định bệnh và đưa ra hướng điều trị cần phải dựa trên phim chụp cộng hưởng (MRI) từ cột sống thắt lưng -cùng. Trên phim chụp cộng hưởng từ sẽ thấy được vị trí thoát vị, ở đốt sống nào!thoát vị trung tâm hay lệch trái hay lệch phải! mức độ chèn ép tủy sống! có hẹp ống sống hay không! Điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bao gồm điều trị mổ và điều trị không mổ. 

Chỉ có điều trị mổ mới có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng tình trạng thoát vị hoàn toàn có thể xảy ra tại vị trí khác và không phải trường hợp thoát vị đĩa đệm nào cũng có chỉ định mổ.

Đối với các trường hợp mới có thoát vị sẽ điều trị nội khoa bằng các thuốc giảm đau, giãn cơ, an thần trong khoảng 2 – 3 đợt, mỗi đợt từ 5 – 7 ngày. Nếu sau đó triệu chứng lâm sàng không cải thiện, bệnh nhân vẫn đau nhiều, trên phim chụp MRI có hình ảnh khối thoát vị chèn ép thì sẽ phải mổ để lấy khối thoát vị.

Đối với các trường hợp cấp tính, bệnh nhân đau dữ dội, không đi lại được, trên phim chụp MRI có hình ảnh khối thoát vị chèn ép thì cũng có chỉ định mổ càng sớm càng tốt để lấy nhân thoát vị.

Phương pháp mổ cũng rất khác nhau đối với từng trường hợp thoát vị đĩa đệm, có thể chỉ mổ lấy nhân thoát vị đơn thuần hoặc vừa lấy nhân thoát vị đồng thời mở cung sau cột sống để giải ép ống sống. Do vậy, chi phí mổ cũng sẽ thay đổi theo từng phương pháp mổ.

Những trường hợp thoát vị đĩa đệm đơn thuần, không có hẹp ống sống thì chỉ cần mổ lấy nhân thoát vị đơn thuần và chi phí phẫu thuật khoảng 10 – 15 triệu.

Nếu thoát vị đĩa đệm xảy ra ở nhiều vị trí (thoát vị đa tầng) hoặc thoát vị kèm theo hẹp ống sống thì ngoài việc mổ lấy nhân thoát vị còn phải mở cung sau giải ép ống sống và đặt nẹp để cố định cột sống. Riêng chi phí cho nẹp và vít khoảng từ 30 – 32 triệu. Các chi phí khác cho cuộc mổ khoảng 10 – 12 triệu.

Sau mổ, bệnh nhân sẽ phải điều trị bằng thuốc giảm đau, kháng sinh để chống nhiễm trùng vết mổ trong ít nhất 14 ngày và sau đó cắt chỉ mới có thể xuất viện được. Chi phí sau mổ gồm tiền thuốc điều trị, tiền giường bệnh, chi phí ăn uống, chăm sóc…Chi phí này sẽ rất khác nhau ở từng cơ sở điều trị khác nhau.


Trường hợp của em mới được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nên trước tiên em tiếp tục dùng thuốc theo đơn của Bác sĩ bệnh viện Việt Đức. Nếu sau khi dùng thuốc một đợt mà triệu chứng đau không đỡ giảm thì em tái khám để Bác sĩ sẽ có hướng điều trị tiếp theo cho em.

Ngoài ra, có một số lưu ý thêm cho em, em không nên làm việc nặng, không bê, mang các vật nặng trong tư thế còng lưng hoặc vẹo lệch người, hạn chế tối đa các chấn thương để không làm nặng thêm tình trạng bệnh. Nếu em phải ngồi làm việc quá lâu thì em nên mặc áo cột sống để hỗ trợ thêm cho cột sống thắt lưng.